Sau khi tổ chức thành công Đại hội ban chấp hành Hội kế toán tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất, với những phương hướng hoạt động và nhiệm vụ cụ thể được nêu trong Điều lệ hoạt động Hội. Ngày 28/6/2017 Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi Tòa đàm nhằm đưa đến Hội viên cũng như các tổ chức, cá nhân khác có cùng mối quan tâm trong lĩnh vực kế toán những vấn đề cần được chú trọng, đồng thời cũng đề ra các giải pháp khắc phục... và mục tiêu là đưa các hoạt động về kinh tế nói chung, lĩnh vực tài chính kế toán nói riêng của tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển và hoạt động đạt hiệu quả cao.

     Tại buổi tọa đàm, các tham luận, các đề tài được đưa ra giới thiệu khái quát và sau đó là phần thảo luận hai chiều giữa Ban tư vấn Hội kế toán tỉnh Đồng Nai cùng các Hội viên, các đại diện doanh nghiệp diễn ra một cách sôi nổi, tích cực... thực sự đã tạo nên một hình thức giao lưu, hỗ trợ nghề nghiệp rất hữu ích.

Chi tiết các nội dung trong buổi tọa đàm

1. Đánh giá về thực trạng hoạt động Kế toán trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Được soạn thảo và trình bày bởi TS.KTV Trần Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội kế toán tỉnh Đồng Nai

I. Nhu cầu phát triển nghề nghiệp kế toán ở Đồng Nai thời gian qua

1.Tiềm năng thế mạnh của Đồng Nai trong điều kiện Hội nhập thời gian qua

Đồng Nai là tỉnh nằm ở cực bắc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam.

-Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận;
-Phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh; Phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước;
-Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
-Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng.

Đồng Nai có diện tích 5.862,37 km2, bằng 1,76% diện tích tự nhiên của cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 1 thị xã và 9 huyện.

Tính đến cuối năm 2016, dân số toàn tỉnh Đồng Nai kể cả tăng cơ học đạt gần 3.200.000 người; trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 1.500.000 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.700.000 người.

Như vậy, tỉnh Đồng Nai có dân số đông hàng thứ 5 của Việt Nam, đứng thứ hai trong số các tỉnh thành miền Đông Nam bộ.

Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển theo hướng CNH-HĐH, tính đến cuối năm 2015, Đồng Nai đã có bước phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

(i) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH với xu thế:ngành công nghiệp xây dựng và ngành dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP. Cụ thể: nếu năm 1990 tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ thương mại là: 50,1%, 20,6%, 29,3%, thì đến năm 2015 tỷ trọng này đã có sự chuyển dịch rất tích cực tương ứng là: 5,6%,  56,7%; 37,7%.

(ii) GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 3.089 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 2.900-3.000 USD). Dự báo đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt từ 5.300 – 5.800 USD.

(iii) Tốc độ CNH ở Đồng Nai diễn ra khá nhanh và tương đối vững chắc. Cụ thể: từ năm 2000 đến nay Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 những tỉnh thành có tốc độ thu hút dòng vốn FDI cao nhất trên cả nước. Đến cuối năm 2016, Đồng Nai có 23 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp tập trung với tổng số 1.510 dự án, trong đó, có 1.100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 21 tỷ USD và 410 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng, trong đó có những KCN trở thành hình mẫu thành công như: KCN Biên Hòa 2, KCN Amata…Giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 lao động.

(iv) GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 3.089 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 2.900-3.000 USD). Dự báo đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt từ 5.300 – 5.800 USD.

* Còn theo báo cáo của Sở KH & ĐT tỉnh Đồng Nai, lũy kế từ năm 1991 đến ngày 31/12/2016 có 34.571 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong toàn tỉnh.

Những năm gần đây, số DN mới được thành lập không ngừng tăng lên. Cụ thể:  theo báo cáo của Sở KH & ĐT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2016 có 2.400 DN mới được thành lập nhưng chỉ có 202 DN giải thể và 125 Chi nhánh, 68 ĐĐKD, 27VPĐD chấm dứt hoạt động; 410 DN tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, số DN mới tăng lên hàng năm là cả hàng ngàn doanh nghiệp.

+ Về cơ cấu doanh nghiệp, trong tổng số 36.205 DN hiện nay, có cơ cấu như sau:

1.Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 95%, đa số là DN dân doanh trong nước, hoạt động phân bổ ở tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
2.Doanh nghiệp vừa và lớn khoảng 5%. Đa số là DN FDI, DNNN, một số công ty cổ phần...tập trung trong các khu công nghiệp.

2. Nhu cầu lao động nói chung và đội ngũ kế toán nói riêng ở Đồng Nai

Do số lượng DN hiện có khoảng 36.205 DN và tiếp tục tăng lên hàng ngàn DN mỗi năm. Chính vì thế, nhu cầu về lao động trên địa bàn rất lớn. Ngoài số lao động hiện đang làm việc tại các đơn vị HCSN, DN, trường học... ước khoảng 1.000.000 lao động. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động mới cũng lên tới hàng chục ngàn lao động mỗi năm.

Riêng đội ngũ kế toán ở tỉnh Đồng Nai hiện nay cũng rất đông đảo. Ngoài số nhân viên kế toán hiện có, ước khoảng 30.000 lao động (tương ứng với 36.205 DN), hàng năm nhu cầu tuyển dụng lượng kế toán mới cũng lên tới hàng ngàn chỗ mỗi năm (do có hàng ngàn DN tăng lên mỗi năm và một lượng nhỏ kế toán chuyển nghề hoặc nghỉ hưu...).

Nhu cầu về đội ngũ kế toán cũng có sự phân cấp theo cơ cấu DN, trong đó:

- Trình độ cao: khoảng 2.000 kế toán, chiếm khoảng 7% lực lượng kế toán, đang làm việc tại các tập đoàn, công ty nhà nước, ngân hàng, các trường đại học, bệnh viện và tại hơn 1.000 DNFDI, các DN, chi nhánh DN hành nghề kiểm toán, kế toán, tư vấn thuế trên địa bàn...

- Trình độ trung bình và căn bản: khoảng 28.000 kế toán, chiếm khoảng 93% lực lượng kế toán, chủ yếu là nhân viên kế toán lại các DN vừa và lớn hoặc KTT tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, làm kế toán phi chính thức...

II. Khả năng cung ứng đội ngũ kế toán ở Đồng Nai thời gian qua

1 Nguồn cung ứng chính từ các trường cao đẳng, đại học

Từ năm 2000 đến nay, việc cung ứng đội ngũ kế toán ở Đồng Nai chủ yếu được thực hiện qua 2 kênh chủ yếu sau:

(i) Từ các trường CĐ, ĐH ngoài tỉnh: đây là nguồn rất dồi dào phong phú, đảm bảo được trình độ căn bản, có kiến thức nền để tiếp tục học tập nâng cao, những trường đào tạo kế toán có uy tín đó là: Trường ĐH kinh tế Tp.HCM, trường ĐH tài chính Marketing, trường CĐ kinh tế đối ngoại, Học viện tài chính... phần lớn là các sinh viên tại Đồng Nai theo học tại các trường ĐH, CĐ này, sau khi ra trường, trở về Đồng Nai làm việc.

(ii) Từ các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh như:

1 Trường ĐH Đồng Nai

2 Trường ĐH Lạc Hồng

3 Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam - Phân hiệu tại Đồng Nai (H.Trảng Bom)

4 Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai

5 Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất)

6 Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai

7 Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi 8 Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai

9 Trường Cao đẳng nghề số 8.

10 Trường Cao đẳng nghề Lilama (H.Long Thành)

11 Trường Cao đẳng Thống kê II....

Hàng năm, riêng các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh cũng đã đào tạo ra hàng ngàn cử nhân kế toán, tài chính (bình quân 80 SV/trường). Tuy nhiên, chất lượng đào tạo về kỹ năng và tay nghề giữa các trường chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế của DN.

2. Nguồn hỗ trợ, bổ sung kỹ năng thực hành kế toán

Do các công ty, Trung tâm đào tạo kiểm toán, kế toán, thuế thực hành trong và ngoài tỉnh đảm nhận nhằm giúp các học viên kế toán mới ra trường tiếp cận và thực hành những công việc kế toán cụ thể đang diễn ra tại các doanh nghiệp.

Kênh hỗ trợ này là rất cần thiết. Tuy nhiên, do số lượng các công ty, Trung tâm đào tạo kiểm toán, kế toán, thuế thực hành trên địa bàn tỉnh còn quá ít, điều kiện tổ chức đào tạo chưa thực sự chuyên nghiệp dẫn đến việc thu hút học viên có hạn chế.

Chỉ mới đào tạo kỹ năng thực hành kế toán ở  mức độ sơ cấp, biết việc, chưa đủ điều kiện để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu về kế toán, kiểm toán. Đây cũng là hạn chế phải được khắc phục.

III. Đánh giá cung cầu về đội ngũ kế toán ở Đồng Nai hiện nay.

Đặc điểm chung về đội ngũ kế toán

1.Thừa thì vẫn thừa nhưng thiếu thì vẫn thiếu so với nhu cầu thị trường

2.Đội ngũ trẻ, năng động nhưng kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, ngại học tập chuyên môn sâu, chưa nhận thức đúng đắn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán.

3.Thu nhập chỉ ở mức trung bình thấp so với các loại lao động văn phòng và kỹ thuật.

4.Đội ngũ những người có trình độ cao về kế toán tài chính trên địa bàn (sau đại học, có chứng chỉ hành nghề kiểm toán, kế toán...) không ít nhưng chưa thể tập hợp để cùng xây dựng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế, cũng chưa thể nâng cao giá trị nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế.

IV. Một số giải pháp góp phần nâng cao nghề nghiệp kế toán ở Đồng Nai

1. Các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh có đào tạo về kế toán, kiểm toán phải kiên quyết đổi mới quan điểm đào tạo về kế toán với mục tiêu cuối cùng là SV ra trường phải làm được việc ngay. Do vậy, phải đổi mới nội dung đào tạo, đội ngũ thầy cô giáo bắt buộc phải được trải nghiệm công tác thực tế hàng năm tại các doanh nghiệp. Các trường cần liên kết với các doanh nghiệp nhất là các các DN hành nghề kiểm toán, kế toán, thuế về chương trình thực tập cho SV cuối khóa để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

2. Các công ty, Trung tâm đào tạo kiểm toán, kế toán, thuế thực hành trên địa bàn tỉnh cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo đội ngũ chuyên viên đào tạo chuyên nghiệp nhằm tăng sức hút cho các học viên đến theo học kỹ năng thực hành kế toán. Ngoài kỹ năng chuyên môn, cần chú trọng đào tạo về đạo đức nghề nghiệp cho học viên, để học nhận thức và tự hào với nghề kế toán. Trong tương lai gần Hội kế toán tỉnh Đồng Nai sẽ góp phần tham gia lĩnh vực đào tạo này.

3. Các doanh nghiệp, tổ chức tiếp nhận nhân viên kế toán, sử dụng dịch vụ kế toán, thuế... cần có nhận thức đúng đắn về công tác kế toán, tuân thủ Luật kế toán 2015, góp phần nâng cao chất đội ngũ kế toán đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả trong SXKD. Các doanh nghiệp cần quan hệ với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh trong việc đưa ra yêu cầu, đặt hàng tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, quan hệ với Hội kế toán tỉnh Đồng Nai là nơi tư vấn, giới thiệu về đội ngũ kế toán có trình độ cao khi có nhu cầu tuyển dụng.

4. Các SV ngành kế toán ngay trong thời gian đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh cần chủ động đề ra mục tiêu, tiến độ nắm bắt, thực hành kế toán cụ thể cho từng năm theo học tại các DN trên địa bàn nhằm đạt được kỹ năng kế toán nhất định, từ chưa biết đến biết và có thể thực hành ở mức độ nhất định tại các doanh nghiệp.

5. Kế toán viên sau khi ra trường, kể cả những Kế toán viên chưa có việc làm cần kịp thời theo học các khóa kỹ năng kế toán cụ thể cho từng phần hành theo yêu cầu thực tế tại các công ty, Trung tâm đào tạo kiểm toán, kế toán, thuế thực hành, điều này góp phần cho việc tìm kiếm việc làm dễ dàng. Dứt khoát không tham gia học việc tại các DN, trung tâm không được cấp phép hành nghề kiểm toán, kế toán, thuế.

6. Để thống nhất quản lý hành nghề kiểm toán, kế toán, thuế trên địa bàn tỉnh, qua đó, đảm bảo thị trường dịch vụ này công bằng, minh bạch, vừa qua Bộ tài chính đã có thông tư 51/2017/TT-BTC, giao cho Cục thuế các tỉnh, thành phố quyết định cấp giấy “Xác nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý thuế” đối với các DN cung cấp dịch vụ thuế tại địa phương. Do vậy, trước mắt, đối với dịch vụ kế toán, kiến nghị Bộ tài chính cũng giao việc cấp giấy “Xác nhận đủ điều kiện hành nghề kế toán” cho Sở tài chính các tỉnh, thành phố, việc làm này vừa thể hiện sự nhất quán trong quản lý nhà nước, qua đó, Sở tài chính các tỉnh, thành phố cũng quản lý, kiểm soát được các DN cung cấp dịch vụ kế toán một cách chặt chẽ, vì hiện nay thị trường dịch vụ kế toán cũng rất phức tạp, vàng thau lẫn lộn...

7. Hội kế toán tỉnh Đồng Nai phải tập hợp được đội ngũ những người có trình độ cao về kế toán tài chính trên địa bàn tỉnh, có chiến lược phát triển đúng đắn để Hội thực sự là trung tâm, hạt nhân tạo ra sức hút thuyết phục đối với những người làm công tác kế toán trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng tầm và gia tăng giá trị nghề nghiệp kế toán cũng như nâng vị thế, uy tín của những Hội viên thực sự có đạo đức nghề nghiệp và chuyên nghiệp trên đất Đồng Nai.

_______________________________________________

Tài liệu tham khảo:

https://thongtindoanhnghiep.co/tinh-thanh-pho/dong-nai ngày 10/08/2017.

- https://www.dongnai.gov.vn/

- http://dpidongnai.gov.vn/

- Cục Thống kê Đồng Nai

- Báo cáo của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai các năm 2015, 2016, 2017

- Báo cáo của ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai

- Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2010.

- Kết quả khảo sát về nghề kế toán ở Đồng Nai T6/2017 bằng kiểm định SPSS

________________________________________________

Các đề tài khác xin vui lòng tải về qua các đường dẫn sau:

- Nêu một số điểm mới trong Luật kế toán năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017

- Làm rõ những điểm mới của Thông tư 96/2015/TT-BTC so với Thông tư 78/2014/TT-BTC

- Ưu đãi thuế

Hoạt động khác