ThS Quách Nguyễn Ân Điển,PCT Hội kế toán tỉnh Đồng Nai

Nhu cầu chuyển đổi báo cáo tài chính được ghi nhận và trình bày bằng ngoại tệ sang VND là phổ biến đối với rất nhiều DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Doanh nghiệp FDI), bài viết sau đây tóm tắt một số điểm được hướng dẫn theo chế độ kế toán hiện hành và cũng được giới hạn trong khuôn khổ phạm vi của năm tài chính từ 2016 đến nay.

Các cơ sở pháp lý tham khảo bao gồm:

  • Thông tư 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 của Bộ tài chính;
  • Công văn số: 606/BTC-CĐKT ban hành ngày 13/01/2016 của Bộ tài chính;
  • Thông tư số 156 / 2013 / TT - BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

I/ Phân biệt các trường hợp có liên quan:

  1. Trường hợp lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán:

Đây là trường hợp khi mà, năm trước đây, DN ghi nhận và lập báo cáo tài chính theo đồng ngoại tê, sang đầu hiện tại muốn chuyển sang sử dụng đồng VND để ghi nhận lập và trình bày báo cáo tài chính. Đối với trường hợp này, tại điều 108 của TT 200/2014/TT-BTC quy định như sau:

“1. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

2. Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh (cột kỳ trước) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Khi trình bày thông tin so sánh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản bình quân kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi (nếu tỷ giá bình quân xấp xỉ tỷ giá thực tế).

3. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán”

Như vậy, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo tỷ giá như đã nói tại khoản 1 điều 108 nói trên.

Đối với cột thông tin so sánh trên bảng kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ (khi lập báo cáo tài chính của năm có sự thay đổi) thì kế toán áp dụng tỷ giá chuyển khoản bình quân kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi, cần lưu ý rằng trong TT 200 yêu cầu tỷ giá bình quân này là phải xấp xỉ (không vượt quá 3%) tỷ giá thực tế, ngược lại nếu tỷ giá này cách biệt với tỷ giá thực tế thì TT 200 không hướng dẫn, thiết nghĩ trên thực tế, theo chủ quan của người viết bài này,thì cũng rất khó xảy ra biến động chênh lệch lớn hơn hoặc nhỏ hơn 3%.

Cũng cần lưu ý rằng, khi đơn vị có sự thay đổi nói trên thì trong thuyết minh báo cáo tài chính cần trình bảy rõ lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có).

2. Trường hợp chuyển đổi báo cáo tài chính đã lập bằng ngoại tệ sang VND:

2.1. Về việc lựa chọn tỷ giá khi chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng đồng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định tại điều 108 TT200 thì :” Báo cáo tài chính được sử dụng để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam phải được trình bày bằng Đồng Việt Nam.Trường hợp doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra Đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam” Như vậy, tất cả các báo cáo tài chính mà DN theo định kỳ phải nộp hàng năm ví dụ như: nộp cho cơ quan thuế;Ban quản lý KCN; Thống kê; SO73 kế hoạch đầu tư…thì đều phải quy đổi ra đồng Việt Nam.

2.2. Phương pháp chuyển đổi:

Theo quy định tại điều 107 của TT 200 thi khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

2.2.1. Đối với tài sản và nợ phải trả:

Được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ (là tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo);

2.2.2. Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu):

Được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn;

Do đó, trong bất kể trường hợp nào, doanh nghiệp cũng phải căn cứ vào tỷ giá lịch sử (tỷ giá tại thời Điểm góp vốn) để chuyển đổi Khoản Mục vốn chủ sở hữu. Việc để mất hoặc không còn lưu trữ các tài liệu kế toán liên quan làm cơ sở xác định các số liệu kế toán thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

2.2.3. Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản:

Được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày đánh giá;

2.2.4. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày đầu tư:

Được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

2.2.5. Lợi nhuận, cổ tức đã trả:

Được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả lợi tức, cổ tức;

2.2.6. Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

+ Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn tỷ giá bình quân kỳ kế toán

- Được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn).

Theo hướng dẫn tại công văn: 606/BTC-CĐKT ban hành ngày 13/01/2016 của Bộ tài chính, thì TT200 đã không quy định cụ thể cách tính tỷ giá bình quân kỳ kế toán nên các doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ giá bình quân giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển Khoản ngoại tệ của ngân hàng thương mại để chuyển đổi cho các Khoản Mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tỷ giá bình quân này có thể được tính trên cơ sở trung bình các ngày, các tuần hoặc các tháng của kỳ kế toán.

Cần lưu ý, mức độ chênh lệch 3% được xác định trên cơ sở so sánh giữa tỷ giá bình quân kỳ kế toán với tỷ giá mua thấp nhất hoặc tỷ giá bán cao nhất của ngân hàng thương mại trong kỳ kế toán.

+ Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế tại thời Điểm phát sinh giao dịch

- Việc trích khấu hao TSCĐ phải được căn cứ vào đơn vị tiền tệ trong kế toán của doanh nghiệp.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 107 TT200 quy định khi chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ sang Việt Nam đồng thì tài sản và nợ phải trả được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ do đó các Khoản chi phí khấu hao TSCĐ đã trích sẽ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua tài sản hay ngày định kỳ trích khấu hao TSCĐ.

-Tương tự, đối với nguyên vật liệu xuất kho đưa vào sản xuất đang ở hàng tồn kho cũng được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua nguyên vật liệu hay ngày xuất kho nguyên vật liệu để sản xuất.

2.2.7. Việc sử dụng báo cáo tài chính nào để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế: Tại điểm e khoản 1 Điều 10 Thông tư số 156 / 2013 / TT - BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính về quản lý thuế quy định đồng tiền khai thuế là đồng Việt Nam. Vì vậy, các DN nếu đã lập báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ, thì khi nộp cho cơ quan thuế phải chuyển đổi báo cáo ra đồng VND theo quy định.

3. Phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra ĐồngViệt Nam.

Khi thực hiện việc chuyển đổi báo cáo Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Việt Nam Đồng, có phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá, khoản này được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” – Mã số 417 thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán.

II/ Kết luận:

Như vậy, tính từ thời điểm TT200 có hiệu lực, thì viêc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán hay chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra VND sẽ được áp dụng như các nội dung nêu trên, trước đây khi TT 200 chưa ra đời thì việc áp dụng theo hướng dẫn tại chế độ kế toán theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, nhìn chung việc áp dụng TT200 đối với các nghiệp vụ này có nhiều điểm khác biệt hơn so với hướng dẫn theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, do bài viết có giới hạn, một số trường hợp như:

  • Trình bày thuyết minh chi tiết biến động của vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015;
  • Tỷ giá sử dụng để quy đổi số liệu so sánh của Khoản Mục vốn chủ sở hữu năm 2014;
  • Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh lỗ từ năm 2010 đến 2014 thì việc sử dụng tỷ giá để quy đổi số lỗ được phép chuyển để trừ vào thu nhập chịu thuế năm 2015 được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế

Các bạn có thể tham khảo thêm tại công văn: 606/BTC-CĐKT ban hành ngày 13/01/2016 của Bộ tài chính để áp dụng cho phù hợp.

Đồng Nai, tháng 3 năm 2018

Tin tức khác