Phương Hướng, Nhiệm Vụ Hoạt Động Của Hội Kế Toán Tỉnh Đồng Nai Nhiệm Kỳ 2017-2021
Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Hội) mới được thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai – địa phương đang có tốc độ phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng vào loại cao nhất cả nước, cũng là địa phương có số lượng các loại hình doanh nghiệp khá đa dạng, phong phú với khoảng 10.000 doanh nghiệp hiện nay, từ đó, đã tạo ra tiềm năng to lớn cũng như sự cần thiết phải có Hội kế toán để định hướng, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho đội ngũ những người làm công tác kế toán trên địa bàn tỉnh. Trên quan điểm đó, Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong nhiệm kỳ đầu tiên 2017-2022 như sau:
I- Phương hướng, mục tiêu phát triển:
1. Xây dựng Hội trở thành một trong những hội xã hội – nghề nghiệp có uy tín, vị thế hàng đầu ở Đồng Nai, là tổ chức đáng tin cậy về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế không những đối với người làm công tác kế toán mà còn đối với các loại hình doanh nghiệp, tổ chức hành chính sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Giai đoạn 2017-2022 sẽ phát triển về quy mô, từng bước nâng cao chất lượng và ổn định chất lượng hoạt động vào cuối giai đoạn này.
2. Xây dựng Hội thành tổ chức nghiên cứu, tư vấn về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… có uy tín, chất lượng cao ở Đồng Nai, có đội ngũ chuyên gia từng bước đảm nhận vai trò báo cáo viên, xây dựng, thẩm định, phản biện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… cho các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (Sở Tài chính, Cục thuế Đồng Nai, Hải quan Đồng Nai…), các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, các tổ chức nghiên cứu, kinh tế khác và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đặt hàng và mời tham gia.
3. Hội sẽ thành lập các Trung tâm tư vấn, Trung tâm đào tạo kỹ năng thực hành về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế mang tính chuyên nghiệp và có chất lượng cao ở Đồng Nai. Trước mắt, đào tạo tập trung cho các hội viên để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tiến tới đào tạo cụ thể theo đơn đặt hàng và đào tạo đại trà theo nhu cầu của thị trường vào năm 2018 trở đi.
4. Xây dựng Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai trở thành trung tâm hướng dẫn, điều phối và hỗ trợ tất cả các công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hiệu quả kinh doanh trên cơ sở hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.
5. Một số chỉ tiêu chủ yếu phải thực hiện.
– Phát triển hội viên mới là 80 hội viên/năm, trong đó có ít nhất 03 hội viên là tổ chức. Đến cuối năm 2022, tổng số hội viên của Hội phải đạt ít nhất 500 hội viên, trong đó, có ít nhất 20 hội viên là tổ chức.
– Phát triển mạng lưới chi hội kế toán trực thuộc Hội, mỗi năm thành lập mới ít nhất 02 chi hội kế toán, đến cuối năm 2022, cơ bản thành lập xong Chi hội kế toán ở tất cả các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
– Thành lập Trung tâm đào tạo kế toán, kiểm toán trực thuộc Hội vào năm 2018. Từ năm 2018, mở lớp đào tạo hoặc liên kết với các trường ĐH có úy tín mở lớp đào tạo với chỉ tiêu như sau:
+ Đăng ký theo học thực hành, thực tập, học theo chuyên đề….có từ 100 đến 120 sinh viên, khách hàng/khóa (2 – 3 tháng)
+ Đăng ký theo học lấy chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, tổ chức 2 khóa/năm, mỗi khóa ít nhất 30 học viên.
+ Đăng ký theo học lấy chứng chỉ hành nghề kế toán, tổ chức 1 khóa/năm, mỗi khóa ít nhất 40 học viên.
+ Đăng ký theo học lấy chứng chỉ kiểm toán viên, tổ chức 1 khóa/năm, mỗi khóa ít nhất 30 học viên.
+ Đăng ký theo học lấy chứng chỉ hành nghề tư vấn thuế, tổ chức 1 khóa/năm, mỗi khóa ít nhất 40 học viên.
– Thành lập Trung tâm tư vấn nghiệp vụ cho Doanh nghiệp trực thuộc Hội vào năm 2018.
– Phát hành Bản tin Hội Kế toán Đồng Nai với nội dung, hình thức phong phú, có chất lượng, mang tính thời sự, trước mắt phát hành 2 tháng/kỳ, từ năm 2018 trở đi, phát hành 1 tháng/kỳ với số lượng phát hành mỗi kỳ từ 300 – 600 bản in hoặc phát hành qua Internet gửi đến tất cả các hội viên, các doanh nghiệp và một số sở, ban ngành trong tỉnh có liên quan nhằm nâng tầm hoạt động của Hội lên.
II. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức Hội, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các thành viên Ban chấp hành Hội.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần triển khai các giải pháp sau:
– Từng bước hoàn thiện cơ cấu bộ máy, tổ chức điều hành năng động và hiệu quả, có sự phân cấp rõ ràng. Xác định nhiệm vụ, quyền lợi và trách nhiệm cho từng chức danh công việc cụ thể. Ban chấp hành, Ban thường vụ, các Ban chuyên môn, Văn phòng Hội và các đơn vị trực thuộc Hội đều phải xây dựng và hoạt động theo quy chế làm việc cụ thể đã được Chủ tịch Hội duyệt chấp thuận.
– Từng bước thành lập và phát triển các Trung tâm tư vấn hỗ trợ, đào tạo khi có đủ điều kiện. Đến năm 2018, thành lập Trung tâm đào tạo kế toán, kiểm toán trực thuộc Hội để triển khai công tác đào tạo đa dạng và chuyên sâu đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng quan tâm trên địa bàn tỉnh trên cơ sở liên kết, kết hợp với các trường ĐH có úy tín, các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế có uy tín trong tỉnh và là hội viên của Hội.
Bên cạnh đó, cũng thành lập kịp thời mạng lưới Chi hội kế toán trực thuộc Hội theo địa bàn hành chính với nguyên tắc: cứ thành phố, thị xã, huyện nào trên địa bàn tỉnh có ít nhất 40 hội viên đang tham gia sinh hoạt thì sẽ được phép thành lập Chi hội kế toán nơi đó để hội viên tiện sinh hoạt, trao đổi với nhau.
Trường hợp tại một huyện xa thành phố Biên Hòa, có số hội viên đang tham gia sinh hoạt ít hơn 40 thì cho thành lập Chi hội kế toán liên huyện, chẳng hạn: Chi hội kế toán Xuân Lộc – Cẩm Mỹ, Chi hội kế toán Định Quán – Tân Phú… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên trong tham gia sinh hoạt. Trong năm 2017, sẽ thành lập Chi hội kế toán Biên Hòa, lập Chi hội kế toán Long Thành…
– Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên Ban chấp hành Hội, người đứng đầu các Ban, các Trung tâm, các Chi hội kế toán trực thuộc… Để làm được việc này, mỗi thành viên đã được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội, được công nhận là người đứng đầu các Ban, các Trung tâm, các chi hội kế toán trực thuộc… phải không ngừng học tập, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật những thông tin, kiến thức mới nhất về chuyên môn nhằm thực sự là những chuyên gia giỏi, am hiểu sâu về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế, qua đó sẵn sàng tư vấn, phản biện hay trở thành báo cáo viên chuẩn mực được hội viên trong Hội và dư luận đánh giá cao.
– Từng bước chuẩn hóa các chức danh chuyên môn trong Ban chấp hành Hội, người đứng đầu các Ban, các Trung tâm, các Chi hội kế toán trực thuộc. Trước mắt, các thành viên trong Ban chấp hành Hội, các Chi hội kế toán trực thuộc phải cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn: người có tâm huyết và trách nhiệm với hoạt động chung của Hội, có kinh nghiệm thực tế, có uy tín trong ngành, có tinh thần đoàn kết, có khả năng thu hút hội viên, có chứng chỉ hành nghề hoặc trình độ sau đại học. Riêng đối với các Ban, trung tâm chuyên môn về tư vấn, đào tạo, Trưởng ban hoặc Giám đốc trung tâm tư vấn, đào tạo bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoặc/và có trình độ trên đại học.
2. Xây dựng phát triển Hội viên
Hội luôn nhận thức rõ công tác xây dựng phát triển Hội viên là điều kiện sống còn của Hội, từ đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2017 – 2022 là phải không ngừng phát triển, gia tăng hội viên mới, đến cuối năm 2022, tổng số hội viên của Hội phải đạt ít nhất 500 hội viên, trong đó, có ít nhất 20 hội viên là tổ chức.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần triển khai các giải pháp sau:
– Liên hệ với các trường CĐ, ĐH trên địa bàn để hợp tác hỗ trợ các sinh viên trong việc thực tập và nghiên cứu; giao lưu liên hệ với các tổ chức, các doang nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, thuế và tài chính. Từ đó, họ thấy được lợi ích của Hội mà tự nguyện gia nhập, hoặc tuyên truyền phổ biến trên báo đài về các hoạt động tích cực của Hội nhằm gia tăng hội viên.
– Xác định hội phí hàng năm đối với hội viên cá nhân là 300.000đ/năm, hội viên tổ chức 1.500.000đ/năm, so với mặt bằng giá hiện nay thì hoàn toàn có tính khả thi.
– Luôn xem xét bổ sung vào Ban chấp hành Hội những hội viên có nhiệt tình, tâm huyết và có trách nhiệm cao với hoạt động của Hội và đặc biệt là những hội viên đã có chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế… Đây sẽ là hạt nhân, tạo sự tin tưởng và tín nhiệm để hội viên yên tâm tham gia và đồng hành với Hội.
– Luôn chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Góp phần điều phối, hỗ trợ nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, thuế giữa các hội viên tổ chức. Đặc biệt, sẵn sàng bảo vệ hội viên thông qua các hình thức: công bố trên báo đài, tổ chức hội thảo, có văn bản gửi các cơ quan Nhà nước chỉ ra các công ty không đủ điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm lợi ích các công ty hội viên.
– Tổ chức tọa đàm, hội thảo định kỳ dành riêng cho hội viên về các chuyên đề chuyên sâu, về định hướng phát triển nghề nghiệp trong điều kiện hội nhập, về kinh nghiệm thi lấy các chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán viên, tư vấn thuế… để hội viên có thể phát triển kỹ năng chuyên môn và nghề nghiệp một cách hiệu quả.
– Đối với các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có thu phí do Hội tổ chức, sẽ có cơ chế khuyến khích học viên tích cực tham gia học tập để nâng cao trình độ bằng cách có chế độ miễn giảm học phí cho hội viên (giảm học phí từ 25 -35%).
– Xây dựng và từng bước cải tiến Website của Hội để đưa các thông tin về hoạt động của Hội, ý kiến tham gia của Hội về cơ chế chính sách, văn bản luật pháp có liên quan đến hoạt động kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… để hội viên được cập nhật và nắm bắt thông tin một cách liên tục và thiết thực, qua đó, tiếp tục tham gia xây dựng Hội phát triển, mở rộng hơn.
3. Tích cực tham gia xây dựng, thẩm định, phản biện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn, các dự thảo Luật về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… cho các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai và trung ương một cách hiệu quả và đáng tin cậy.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần triển khai các giải pháp sau:
– Tích cực tham gia với các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương chuyên ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế trên địa bàn luôn lành mạnh và phát triển ngang tầm với vị thế kinh tế của Đồng Nai.
– Chủ động tham gia và đóng góp ý kiến tích cực tại một số hội thảo về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế do UBND tỉnh, sở Tài chính tổ chức, tại các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp định kỳ do Cục thuế Đồng Nai, Cục hải quan Đồng Nai đăng cai, hay tại các hội thảo khoa học do các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đứng ra chủ trì. Qua đó, không ngừng nâng tầm, vị thế của Hội.
– Thực hiện các đơn đặt hàng về hướng dẫn, triển khai công tác kế toán trên địa bàn tỉnh có chất lượng cao khi được Sở Tài chính Đồng Nai yêu cầu. Tham gia báo cáo viên, tư vấn viên một cách tự tin, nhiệt tình khi được các ngành thuế, hải quan Đồng Nai, các sở ban ngành khác, các trường đại học, viện nghiên cứu mời phối hợp triển khai các chính sách chế độ kế toán, thuế mới… trên địa bàn tỉnh.
4. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế cho hội viên và các đối tượng có nhu cầu qua đó, nâng cao uy tín và gia tăng giá trị của Hội trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần triển khai các giải pháp sau:
– Hội Kế toán Đồng Nai nói chung và Trung tâm đào tạo nói riêng phải nỗ lực làm việc hết mình vì quyền lợi của học viên và người học, chỉ tập trung đào tạo những kỹ năng kiến thức nghề nghiệp thiết thực phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
– Có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ những người làm công tác đào tạo, bên cạnh việc mời các chuyên gia giỏi từ trung ương, các trường đại học đến tham gia đào tạo, Hội cần quan tâm đúng mức đến các hội viên đã có chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán viên, tư vấn thuế bằng cách bầu chọn họ vào Ban chấp hành Hội hay các ban chuyên môn Hội…, sau đó, thuyết phục họ đi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, học sau đại học (nếu chưa có) để hình thành đội ngũ giảng viên cơ bản lâu dài của Trung tâm đào tạo Hội, đủ sức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp thiết thực cho người học.
– Chủ động liên kết với tất cả các hội nghề nghiệp chuyên môn (Hội kế toán kiểm toán Việt Nam, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội tư vấn thuế Việt Nam…) và các trường đại học có uy tín để mở lớp ôn thi lấy chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, chứng chỉ hành nghề tư vấn thuế, hành nghề kế toán và chứng chỉ kiểm toán viên … ngay tại Đồng Nai bắt đầu vào năm 2018. Sau mỗi kỳ thi, đều có học viên trên địa bàn tỉnh lấy được chứng chỉ hành nghề. Làm được điều này, sẽ nâng uy tín, hình thành “thương hiệu đào tạo” của Hội. Từ đó, tạo ra sức hấp dẫn lan tỏa thu hút đông đảo học viên đến theo học.
– Hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, nghề trên địa bàn để đảm nhận vai trò hướng dẫn thực tế, đào tạo thực hành cho sinh viên chuyên ngành về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế trên cơ sở gắn kết với các hội viên là các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, thuế…
– Xây dựng hoàn chỉnh nội dung giáo trình đào tạo kế toán, kiểm toán, thuế thực hành: khoá cơ bản, khoá nâng cao vào năm 2018, các chuyên đề chuyên sâu, cao cấp về kế toán, kiểm toán vào cuối năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
– Thực hiện đào tạo nhiều cấp độ từ sơ cấp, căn bản đến nâng cao. Từ đào tạo theo lớp, theo nhóm đến đào tạo theo yêu cầu, theo chuyên đề hẹp…nhằm đáp ứng nhu cầu học đa dạng trên địa bàn tỉnh
– Thu hút học viên, giữ học viên bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ Sở Tài chính Đồng Nai, cục thuế Đồng Nai các trường đại học, cao đẳng, nghề trên địa bàn tỉnh.
5. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế cho hội viên và các đối tượng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh, làm cho Hội thực sự là địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần triển khai các giải pháp sau:
– Hội Kế toán Đồng Nai nói chung và Trung tâm tư vấn hỗ trợ nói riêng phải tập trung được một số Hội viên có kỹ năng kiến thức và kinh nghiệm phong phú, có chứng chỉ hành nghề để tạo niềm tin cho học viên và các đối tương có nhu cầu tư vấn, phải chuyên môn hóa dịch vụ tư vấn theo lĩnh vực: kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
– Đa dạng hóa công tác tư vấn qua nhiều kênh như: tư vấn tại chỗ làm việc của hội viên và các đối tượng có nhu cầu, tư vấn tại Trung tâm tư vấn hỗ trợ Hội, tư vấn tại các buổi tư vấn chuyên đề, đặc biệt là tư vấn online, tư vấn qua trang website Hội… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên và các đối tượng có nhu cầu.
– Liên hệ ngoại giao với Cục thuế tỉnh Đồng Nai, Sở tài chính tỉnh Đồng Nai, các chi cục thuế và các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tìm kiếm và nắm bắt nhu cầu tư vấn, hỗ trợ về kế toán, thuế, kiểm toán và tài chính trên địa bàn tỉnh.
– Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về thuế và kế toán khi có văn bản mới của Nhà nước hoặc theo từng chuyên đề như: Quyết toán thuế TNDN, TNCN, Thuế nhà thầu, thuế GTGT, chuyển giá, lập và trình bày BCTC hợp nhất…
6. Mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác
– Thiết lập quan hệ thường xuyên với các sở ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là: Sở tài chính Đồng Nai, Cục thuế Đồng Nai, Cục hải quan Đồng Nai, các hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, các trường đại học, cao đẳng, nghề trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai các hoạt động thường xuyên về kế toán, kiểm toán, thuế… Qua đó, nâng cao uy tín và hình ảnh của Hội trước xã hội.
– Tích cực tham gia các tổ chức Hiệp hội, Hội cùng chuyên ngành như: hội kế toán kiểm toán Việt Nam, hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, hội tư vấn thuế Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai… nhằm tăng cường sự giao lưu, hợp tác phát triển
– Tranh thủ hợp tác quốc tế để tổ chức các hội thảo về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để có thông tin và kinh nghiệm quý báu chia sẻ cho hội viên
– Tổ chức các lớp đào tạo về những chuyên đề khoa học, nghề nghiệp do các giảng viên quốc tế trình bày được hội viên quan tâm khi có điều kiện
– Tổ chức các đoàn của Hội đi nghiên cứu, tham quan, khảo sát kinh nghiệm của các Hội kế toán các tỉnh thành bạn, kể cả đi nước ngoài về các chuyên đề được hội viên quan tâm.
– Phổ biến, giới thiệu quảng bá hình ảnh Hội trên các phương tiện truyền thông như: báo đài, các trang mạng xã hội, mạng Facebook… nhằm giúp hội viên và các đối tác có thể tiếp cận, nắm bắt và tin cậy vào các dịch vụ của Hội một cách nhanh chóng, kịp thời.
– Đẩy mạnh hoạt động phong trào văn thể mỹ trong nội bộ Hội và giao lưu với bên ngoài.
7. Đảm bảo điều kiện làm việc tối thiểu cho Hội
– Thuê mặt bằng để đặt trụ sở Hội, các cơ sở trực thuộc Hội theo hướng chuyên nghiệp, nhưng phải tiết kiệm và hiệu quả. Trang bị phương tiện, thiết bị dụng cụ làm việc hợp lý, gọn cho văn phòng Hội.
– Mua sắm các thiết bị văn phòng như: máy tính, máy fax, điện thoại, máy chiếu, quạt, âm thanh và bàn ghế để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc đào tào, tư vấn và hội họp.
– Trang bị và bổ sung các bộ hồ sơ thực tế về kế toán, thuế và kiểm toán để làm cơ sở cho việc đào tạo
– Xây dựng mạng thông tin nội bộ… Trang bị bổ sung hàng năm sách nghiên cứu, tham khảo, tạp chí chuyên ngành, ngoại ngữ chuyên ngành đầy đủ trong tủ sách Hôi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên trong Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội… trong quá trình làm việc để nâng cao hiệu quả công việc và tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.
Trên đây là phương hướng, nhiệm vụ nhằm phát triển Hội trong 05 năm 2017-2022.