GIÁ CHUYỂN NHƯỢNG - NHẬN DIỆN NHỮNG NGUY CƠ THÁCH THỨC VÀ PHẢN ỨNG CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG KỶ NGUYÊN HỘI NHẬP TOÀN CẦU

Bài báo cáo của Thạc sỹ Quách Nguyễn Ân Điển (PCT Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai)
Đăng trên TẠP CHÍ KHOA HỌC - ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI, SỐ 16 - 2020 -ISSN 2354-1482

 

TÓM TẮT

Thuế là nguồn thu ngân sách rất cơ bản và quan trọng của một quốc gia. Ngày nay, các nước trên thế giới luôn quan tâm đến việc nuôi dưỡng nguồn thu từ thuế, đồng thời cũng ra sức chống lại việc thất thu thuế. Đối với các nước giàu có và phát triển, điển hình là nhóm các nước G20, họ đã có những hoạt động hợp tác liên kết chặt chẽ trong việc ngăn chặn việc “trốn thuế/tránh thuế” của đối tượng nộp thuế. Hiện tại, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (tên viết tắt tiếng Anh là OECD) - là một tổ chức quốc tế được hình thành từ nhóm các nước G20 - đã xây dựng Kế hoạch hành động chống xói mòn lợi nhuận và chuyển lợi nhuận (Action Plan on Base Erosion and Profit Shifting - viết tắt là BEPS). Cũng theo đề án BEPS, hoạt động giá chuyển nhượng (transfer pricing) là một trong những nội dung đáng quan ngại bởi vì mức độ phức tạp và phạm vi toàn cầu của nó. Bài viết này tập trung khái quát và làm rõ những nguy cơ thách thức đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro về thuế nói riêng và tài chính nói chung.

Từ khóa: Giá chuyển nhượng, BEPS, OECD, tối ưu hóa về thuế, tránh đánh thuế

1.Sơ lược những con số thất thu tiền thuế từ hoạt động giá chuyển nhượng (Transfer Pricing) của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam

Trên trang điện tử của tờ Le Monde có trích dẫn: “Theo các ước tính của nhà kinh tế Gabriel Zucman, tác giả của cuốn La richesse cachée des nations (Của cải che giấu của các quốc gia) (NXB Seuil, 2017), thì có 0,01% những người giàu nhất thế giới thành công trong việc né tránh 30% tiền thuế mà đáng lý họ phải trả” [1]. Tại trang điện tử baomoi.com vào đầu năm 2019, theo Nghị viện châu Âu, thiệt hại do lậu thuế đối  với  28  nước  thành viên ước  tính 1.000 tỷ Euro hằng năm. Riêng thủ thuật “tối ưu hóa về thuế” gây thiệt hại từ 50 đến 70 tỷ, theo Ủy ban châu Âu, trên quy mô toàn cầu, một số tính toán ước đoán thiệt hại có thể lên tới 20, 30 nghìn tỷ Euro (tức hơn cả GDP của nước Mỹ) [2].

Còn theo trang điện tử của Tạp chí Nhà đầu tư, phát biểu tại hội thảo “Chia sẻ báo cáo công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các tập đoàn, ngân hàng đa quốc gia” do Oxfam tổ chức, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: “100 tỷ USD là con số mà các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu hằng năm  do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia” [3].

Nhìn từ Việt Nam, tình hình cũng không ngoại lệ, theo trang điện tử cafef.vn thì vụ việc lỗ triền miên của tập đoàn đa quốc gia Coca-Cola đã gây sự chú ý của dư luận trong nước (đã có lúc dư luận kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay Coca-Cola vì hành vị trốn thuế/tránh thuế). Dẫn lời thông tin từ bài báo, số liệu Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết Coca-Cola bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Cũng theo phân tích, đánh giá của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh thì việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu, trên thực tế, sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm. Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng, rõ ràng, Coca-Cola đã làm mất hoàn toàn vốn của mình và lâm vào cảnh phá sản, thế nhưng ngược lại, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi án chuyển giá của công ty này (dễ thấy rằng 210 triệu USD được tài trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài và cũng chính là những khoản tiền lãi thực của Coca- Cola (Việt Nam) chuyển về công ty mẹ thông qua hoạt động chuyển giá mà họ không phải đóng một đồng thuế nào tại Việt Nam). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá là rất yếu [4].

Sơ lược những con số thất thu về thuế như trên để cho thấy trên thế giới vấn đề “bất công thuế khóa” nói chung và hoạt động giá chuyển nhượng nói riêng là điều đáng quan ngại và ẩn chứa nhiều nguy cơ thách thức, sự việc này cần được các quốc gia có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn nữa.

        2. Khái niệm “thiên đường thuế”, “tối ưu hóa về thuế”, “mẫu hồ sơ”, “giá chuyển nhương”, “giao dịch liên kết” và “giao dịch độc lập”

     2.1.Thiên đường thuế

Thiên đường thuế (offshore financial centre) là một thuật ngữ được diễn giải trong loạt bài trong “Hồ sơ Paradise” do tờ báo Le Monde (Pháp) đăng tải (một số nhà kinh tế học trên thế giới còn gọi là “Tài chính hải ngoại”). Theo đó, thiên đường thuế: quốc gia hay lãnh địa có một số thuế suất cực thấp, thậm chí là không đánh thuế và dung dưỡng một cách không minh bạch nhất định cho những ai (cá nhân hay tổ chức) sở hữu các tài khoản tại đây (ví dụ quốc gia Panama nằm tại Trung Mỹ là một thiên đường về thuế). Định nghĩa thiên đường thuế thay đổi theo từng thời kỳ và quan điểm của tổ chức xác định các thiên đường thuế.

       2.1.Tối ưu hóa thuế

Tối ưu hóa thuế (optimisation fiscal) nghĩa là sử dụng những phương  tiện hợp pháp để làm giảm tiền thuế phải đóng, thậm chí để thoát nghĩa vụ thuế. Điều này đòi hỏi phải nắm vững luật pháp và những kẻ hở của hệ thống này. Tối ưu hóa thuế được các cá nhân cũng như các doanh nghiệp, thường là các công ty đa quốc gia, vận dụng.

Ở bình diện khác, “tối ưu hóa thuế” thực ra là một tên gọi “mỹ miều” của thuật ngữ “tránh đánh thuế (tax avoidance)”, đó là việc giảm nghĩa vụ pháp lý về thuế của một đối tượng nộp thuế. “Tránh đánh thuế” không phải là gian lận thuế, mặc dù đôi khi cũng có một vài nhận thức như vậy. Việc “tránh đánh thuế” tập trung vào những kẽ hở pháp luật cho phép, thế nhưng cũng có rất nhiều người cho rằng “tránh đánh thuế” là một việc làm không có đạo đức. Về tương lai, luật pháp phải tìm cách đóng những kẽ hở này lại, đó là một việc làm tất yếu và mang tính lịch sử. Ví dụ như trường hợp một công ty thay vì phải huy động thêm vốn cổ đông để thực hiện tăng trưởng kinh doanh họ có thể chọn phương án vay vốn ngân hàng (hoặc sử dụng phương thức Trái phiếu chuyển đổi) để tạo ra lá chắn thuế. Lá chắn thuế là khoản giảm thu nhập chịu thuế của một cá nhân hay doanh nghiệp đạt được thông qua công khai những khoản khấu trừ được phép như: lãi vay, chi phí y tế, đóng góp từ thiện và khấu hao......

ĐỂ TẢI VỀ HOẶC THAM KHẢO ĐẦY ĐỦ BÀI VIẾT, QUÝ ĐỘC GIẢ VUI LÒNG TRUY CẬP TẠI ĐÂY

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Kế toán khác