VỀ HƯỚNG DẪN CỦA THÔNG TƯ  200/2014/TT-BTC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Th.s Quách Nguyễn Ân Điển [1]

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 (gọi tắt là TT200) có thể coi là bước tiến mới trong quá trình hội nhập tài chính - kế toán của Việt Nam với quốc tế và khu vực với nhiều nội dung thay đổi và hướng dẫn chi tiết. Trong đó, tại chương V “Sổ kế toán và hình thức kế toán”,  tưởng chừng là nội dung đơn giản nhưng vận dụng trong thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi, nhất là trong thời điểm hiện nay vấn đề công nghệ thông tin (CNTT) được các doanh nghiệp (DN) áp dụng phổ biến trong công tác kế toán. Với mong muốn tóm tắt những yêu cầu cơ bản của TT 200 về nội dung “Sổ kế toán và hình thức kế toán”, Bài viết nêu những vấn đề cần được trao đổi làm rõ và cần được hướng dẫn một cách chi tiết.

Các quy định của pháp luật hiện hành về ứng dụng CNTT trong tổ chức Hệ thống thông tin kế  toán (TTKT) tại Việt Nam

Hệ thống TTKT là một tập hợp các nguồn thông tin và phương pháp xử lý thông tin liên quan đến lĩnh  vực kế toán để tạo ra những thông tin hữu ích cho người sử dụng”. Nói cách khác, Hệ thống TTKT là một tập hợp gồm các thành phần: dữ liệu kế toán, lưu trữ dữ liệu kế toán cho việc sử dụng trong tương lai và xử lý dữ liệu kế toán phục vụ cho người sử dụng cuối cùng. Hệ thống TTKT trong môi trường hiện đại ngày nay chính là phần giao thoa giữa hai lĩnh vực: Hệ thống thông tin, mà vai trò của CNTT là chủ đạo với HTKT.

Ứng dụng CNTT vào công tác kế toán có ba mức độ, đó là: Mức độ xử lý bán thủ công; Mức độ tự động hóa công tác kế toán; Mức độ tự động hóa công tác quản lý, xin tập trung bàn đến mức độ tự động hóa công tác kế toán, vì mức độ này đang phổ biến tại các DN ở Việt Nam, với dạng này, DN làm kế toán với một phần mềm kế toán (PMKT), “Khái niệm về PMKT: là chương trình máy tính được thiết lập nhằm hỗ trợ cho công tác kế toán trong quá trình thu thập, xử lý, lưu trữ, lập và cung cấp các báo cáo kế toán cho đối tượng  sử dụng”. Ngày nay, một vấn đề khá phổ biến khi mà CNTT đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới, thì thực hành kế toán truyền thống đã bị thay đổi hoàn toàn, đặc biệt phương thức xử lý dữ liệu kế toán đã được đảm nhận bởi vai trò của CNTT. Trên thực tế đã chứng minh điều đó, CNTT đã tự động hoá sổ sách kế toán truyền thống. Các gói PMKT có thể đi kèm với một loạt các tính năng chuyên ngành hoặc một chương trình chung chung mà có thể được tùy chỉnh để cho phù hợp với hoạt động kinh doanh (HĐKD) của DN. Các DN thường lựa chọn các PMKT dựa trên quy mô của các hoạt động của họ và số lượng người sử dụng truy cập vào Hệ thống TTKT.

Hiện tại, ngoài TT 200 còn có 4 văn bản pháp luật cơ bản có ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT trong công tác kế toán tại Việt Nam, đó là: Luật Kế toán (2003); Nghị định số: 129/2004/NĐ-CP; Chế độ kế  toán theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC; Thông tư 103/2005/TT-BTC.

Luật Kế toán Việt Nam số 03/2003/QH11 ban hành ngày 17/06/2003, tại điều 25 “Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán” có nêu: “1/ Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán (ĐVKT).... 5/ Bộ Tài chính quy định cụ thể về hình thức kế toán, hệ thống sổ kế toán và sổ kế toán.”; Điều 28 “Sửa chữa sổ kế toán”, Điểm 1, Khoản b nêu: “Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai bằng mực đỏ hoặc ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;”; Điểm 1, Khoản c nêu: “Ghi bổ sung bằng cách lập “chứng từ ghi sổ bổ sung” và ghi thêm số chênh lệch thiếu cho đủ.”; Điểm 4 nêu: “Sửa chữa sổ kế toán trong trường hợp ghi sổ bằng máy vi tính” thì: “a) Trường hợp phát hiện sai sót trước khi báo cáo tài chính (BCTC) năm được nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trực tiếp vào sổ kế toán của năm đó trên máy vi tính; b) Trường hợp phát hiện sai sót sau khi BCTC năm đã nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trực tiếp vào sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót trên máy vi tính và ghi chú vào dòng cuối của sổ kế toán năm có sai sót; c) Sửa chữa sổ kế toán trong trường hợp ghi sổ bằng máy vi tính được thực hiện theo phương pháp quy định tại Điểm b hoặc Điểm c,Khoản 1, Điều 28 nói trên.”

Tại NĐ 129/2014/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong HĐKD” Chính phủ ban hành ngày 31/05/2004, tại Điều 14 “Ghi sổ kế toán bằng máy vi tính” có nêu: “1/ Trường hợp ĐVKT ghi sổ kế toán bằng máy vi tính thì PMKT lựa chọn phải đáp ứng được tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, đảm bảo khả năng đối chiếu, tổng hợp số liệu kế toán và lập BCTC. 2/ Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn và điều kiện của PMKT.”

Tại TT 103/2005/TT-BTC “Hướng dẫn về tiêu chuẩn và điều kiện của PMKT”, Bộ Tài chính ban hành ngày 24/11/2005. Điểm 1.1, Mục 1, Phần II, của Thông tư  này nhấn mạnh:

“1.1. PMKT phải hỗ trợ cho người sử dụng tuân thủ các quy định của Nhà nước về kế toán; khi sử dụng PMKT không làm thay đổi bản chất, nguyên tắc và phương pháp kế toán được quy định tại các văn bản  pháp luật hiện hành về kế toán”.

Mới đây nhất, tại TT 200, Điều 122 “Sổ kế toán” có nêu: “Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian  có liên quan đến DN... DN phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, NĐ số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2005 của Chính phủ...”, cũng tại Điều 122 này, hình thức kế toán được nêu: “Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, DN được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu...”, cũng trong Điều 122, tại Điểm 2 có nêu: “DN được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh  bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu....”

Nhận xét sơ lược về các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức sử dụng Hệ thống TTKT trongđiều kiện áp dụng CNTT
- Nhìn chung tất cả các văn bản pháp luật đều đề cập khá đơn giản về việc áp dụng hình thức kế toán  trên máy vi tính, không hướng dẫn hoặc quy định chi tiết cụ thể hơn, thậm chí Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 còn có kiểu tham chiếu ngược “Về quy định sổ kế toán trong TT 200” (Ngô Hà Tấn, 2015), cụ thể tại khoản 1, Điều 122 nêu: “ DN phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2005 của Chính phủ ...”.

- Điểm mới và khác biệt trong TT 200 “chế độ sổ kế toán và hình thức kế toán” là TT200 không quy định bắt buộc về mẫu sổ, nội dung và phương pháp ghi chép đối với các loại Sổ Cái, Sổ Nhật ký; trong khi đó QĐ số 15 thì có nêu: “Nhà nước quy định bắt buộc về mẫu sổ, nội dung và phương pháp ghi chép đối với các loại Sổ Cái, Sổ Nhật ký..”, như vậy, TT 200 đã tạo điều kiện thuận lợi (không áp đặt) cho việc công việc thiết kế các mẫu sổ kế toán của từng DN, điều này rất có ý nghĩa khi DN ứng dụng CNTT vào công tác kế toán, tuy nhiên chúng ta cũng cần nên hiểu rằng, hình thức kế toán trên máy vi tính là một hình thức mới (khác với các hình thức truyền thống) có nhiều điểm khác biệt hơn (PMKT như đã nói trên là sự giao thoa giữa 2 lĩnh vực kế toán và CNTT), do vậy, nó cần có những quy định riêng biệt mà không gộp chung hoặc bắt buộc như các hình thức kế toán khác.
- Một điều khá chắc chắn là các văn bản pháp luật hiện hành cũng không nhắc đến hoặc không có khái niệm về một PMKT “độc quyền” nào cả. Như vậy, các DN có thể tùy ý lựa chọn một PMKT (hoặc một ứng dụng CNTT) phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình mà không phải bị áp đặt phải sử dụng một ứng dụng CNTT (phần mềm) nào cả.
- Tại Khoản 2, Điều 125, TT 200 “Sửa chữa sổ kế toán” có nêu: “Trường hợp phát hiện sai sót trong các kỳ trước, DN phải điều chỉnh hồi tố theo quy định của chuẩn mực kế toán “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”. Có thể nói, đây là một nội dung tưởng chừng đơn giản nhưng lại còn nhiều yếu tố ảnh hưởng mà đặc biệt là yếu tố CNTT tác động đến quá trình xử lý dữ liệu sổ kế toán  trong trường hợp DN sử dụng PMKT. Với TT 200, nội dung này không được hướng dẫn chi tiết rất dễ gây ra nhầm lẫn, cũng như vận dụng bị sai. Thật vậy, VAS 29 và TT 200 cũng chỉ hướng dẫn về các điều chỉnh thông tin các khoản mục trên BCTC và số dư tài khoản (TK) có liên quan theo phương pháp hồi tố (phương pháp này áp dụng cho cả: Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót). Theo đó, chẳng hạn tại Phần V, Điểm b, Khoản 1.2.2 “Phương pháp hồi tố” có nêu: “b1- Đối với các năm trước: Sau khi xác định được ảnh hưởng của việc áp dụng hồi tố... từng năm, kế toán không thực hiện bút toán điều chỉnh trên các TK có liên quan của từng năm mà chỉ tiến hành điều chỉnh số liệu trên cột thông tin so sánh (Cột "Năm trước")... của từng năm trước có liên quan...”, tiếp theo: “b2- Đối với năm hiện tại: Dựa trên ảnh hưởng lũy kế của việc áp dụng hồi tố... đã xác định được cho tất cả các năm trước, kế toán phải điều chỉnh lại cột số liệu so sánh của ...năm hiện tại ...”. Như vậy, với cách hướng dẫn là “Sau khi xác định được ảnh hưởng của việc áp dụng hồi tố..., kế toán không thực hiện bút toán điều chỉnh trên các TK có liên quan của từng năm...” thực ra việc không cho kế toán thực hiện bút toán điều chỉnh trên các TK là một thủ tục kiểm soát “dấu vết kiểm toán” (Audit trial), tuy nhiên, thủ tục này khi DN có sử dụng PMKT thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn (nếu PMKT không đáp ứng một số quy định kiểm soát nội bộ sẽ được nhắc đến trong phần đề xuất) thông qua ví dụ sau đây: “Trong năm 2014, Công ty Hoa Lan phát hiện thấy một số nguyên vật liệu A có khối lượng là 1.000 kg, dùng để sản xuất thành phẩm B, đã xuất kho đưa vào sản xuất trong năm 2013 nhưng vẫn được theo dõi trên sổ kế toán chi tiết (kế toán sai sót chưa ghi xuất kho để sản xuất) và được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán ngày 31/12/2013”, giả sử DN không có tồn sản phẩm dở dang cũng như thành phẩm cuối kỳ, vậy với trường hợp trên đây, muốn xác định được giá trị của lô nguyên vật liệu A này và đồng thời phải tính lại giá thành sản xuất của Thành phẩm B trong kỳ, kế toán phải truy cập PMKT và làm bút toán ghi nhận xuất kho (ở sổ kế toán chi tiết kho, đây là một bút toán điều chỉnh tăng TK chi phí, số dư TK 152 sẽ ảnh hưởng và thay đổi), hệ thống PMKT sẽ tự động tính giá xuất kho (giả sử DN áp dụng phương pháp tính giá xuất kho theo FIFO (là phương pháp tính giá hàng tồn kho theo hình thức  nhập trước xuất trước), sau đó chạy chương trình tính toán lại giá thành của thành phẩm B, đến đây ĐVKT mới có cơ sở  xác định được ảnh hưởng của việc áp dụng hồi tố, dễ thấy rằng, với động thái trên, không ít nhiều PMKT sẽ xuất hiện một cơ chế tự động làm giảm số dư TK 152, đồng thời cập nhật ngay (ghi nhận) vào sổ Nhật ký (hoặc sổ tổng hợp về TK chi phí và giá vốn, từ đó số dư các TK này sẽ bị thay đổi), vì hầu hết quá trình xử lý dữ liệu đều được lập trình và được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, nếu chiếu theo cách hướng dẫn trên đây thì kế toán sẽ khó khăn trong việc xác định được giá trị ảnh hưởng của sai sót (nếu không ĐVKT phải thực hiện thủ công bên ngoài). Cũng cần phải nói thêm có một ảnh hưởng nữa với trường hợp hồi tố ví dụ trên, đó là ảnh hưởng của thủ tục thuế hiện hành, theo đó khi DN điều chỉnh hồi tố do sai sót như vậy thì để tránh rủi ro về thuế có thể xảy ra (khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra) DN phải làm thủ tục kê khai bổ sung về thuế (Chương II, Điều 10, Khoản 5, Điểm b, Thông tư  156/2014/TT-BTC Thông tư” hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của chính phủ), trong trường hợp ví dụ này thì TK 8211 chi phí thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành và TK 3334 Thuế TNDN của năm 2013 sẽ giảm đi, để làm được điều này DN phải lập: Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS ban hành kèm theo Thông tư 156/2014/TT-BTC này (trong trường hợp khai bổ sung, điều chỉnh có phát sinh chênh lệch tiền thuế); Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh. Tuy nhiên, khi thực hiện DN cung cấp các tài liệu kèm theo giải thích trong bảng giải trình như: BCTC; Sổ  kế toán tổng hợp, sổ chi tiết và các bảng tính giá thành... Với quy định hướng dẫn như VAS 29 và Thông tư  số 20, ĐVKT của DN có thỏa mãn yêu cầu của cơ quan thuế để thuyết phục họ chấp nhận không? Bởi lẽ, theo quan điểm của cơ quan thuế thì không có khái niệm điều chỉnh tăng hoặc giảm các khoản thu nhập hoặc chi phí từ việc áp dụng hồi tố do sai sót kế toán vào năm hiện tại.

- Cũng tại Điều 122 của TT 200 này, “Sổ sách kế toán” được nêu: “... DN được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu....”, tại Điểm c, Khoản 1.1, Mục 1, Phần II, 103/2005/TT-BTC có nêu về hệ thống sổ kế toán: “...Đảm bảo đầy đủ sổ kế toán; đảm bảo mối quan hệ giữa các sổ kế toán với nhau; đảm bảo có thể kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa các sổ...”, dễ nhận thấy rằng tại các quy định này, cụm từ “dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu” chỉ mang tính chung chung không hướng dẫn chi tiết, chưa có một đề xuất mang tính tham khảo thể hiện mức độ nào là tối thiếu gọi là “dễ”, từ đó dễ sinh ra quan điểm DN muốn xây dựng biểu mẫu gì cũng được hoặc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra kế toán đưa ra yêu cầu ĐVKT có sử dụng PMKT cung cấp mẫu sổ kế toán theo ý của cơ quan đó. Chỉ xin đề cập đến đối tượng thông tin đầu ra trong môi trường tin học hóa. Xét dưới góc độ người quản lý DN hoặc người kiểm tra, thanh tra kế toán, tính năng truy xuất dữ liệu từ PMKT là rất quan trọng. Vì vậy, trong một điều tra thống kê mới đây với các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tại Đồng Nai, thông qua bảng câu hỏi được phỏng vấn trực tiếp hoặc trả lời qua email được tiến hành cho 100 DN. Việc lựa chọn người phỏng vấn hoặc gởi email hầu hết là kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, kết quả thực hiện được 90 phiếu trả lời của DN là hợp lệ. Qua phân tích số liệu cho thấy, có đến 100% DNNVV của cuộc khảo sát đều có sử dụng PMKT, 100% ý kiến trả lời ĐVKT của mình có sử dụng Microsoft Excel Microsoft excel: một phần mềm bảng tính trong bộ tích hợp Microsoft office của hãng Microsoft trong việc trích xuất dữ liệu từ PMKT ra để sử dụng và cung cấp TTKT, cũng với tỷ lệ 100%  ý kiến cho rằng khi cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra DN họ có yêu cầu DN cung cấp hồ sơ kế toán được trích xuất từ PMKT ra file mềm (tập tin Excel). Mặc dù trong nhóm DN khảo sát chỉ có 6 DN thuộc diện buộc kiểm toán hàng năm, nhưng tất cả đều cho rằng các công ty kiểm toán độc lập cũng đều cho rằng, kế toán DN cung cấp hồ sơ kế toán được trích xuất từ PMKT ra file mềm (tập tin Excel). Qua đây, chúng ta thấy Microsoft Excel có thể đóng vai trò trung gian trong việc thu thập thông tin đầu ra từ PMKT của ĐVKT.

- Cuối cùng, tại Điều 124 của TT 200 về “Mở, ghi sổ kế toán và chữ ký”, thì không thấy TT 200 hướng dẫn hay nhắc đến các quy định việc mở sổ; khóa sổ; ghi sổ; in ấn và lưu trữ dữ liệu đối với trường hợp ĐVKT sử dụng PMKT, buộc lòng chúng ta phải tham chiếu đến Thông tư  103/2005/TT-BTC “Hướng dẫn về tiêu chuẩn và điều kiện của PMKT”, vẫn còn hiệu lực thi hành, quy định về “ In ấn, lưu trữ dữ liệu” từ PMKT, như chúng ta đã biết, những rủi ro sai sót và gian lận kế toán trong môi trường CNTT là khá cao xuất phát từ những đặc điểm riêng biệt của nó. Nếu TT 200 hoặc các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ hoặc chi tiết nội dung này, có thể một vấn đề đặt ra là có hay không việc DN có thể lợi dụng để in ấn hay sửa chữa lại để che giấu sai sót và gian lận sự  quản lý.

Những đề xuất
Thứ nhất: Cần có một chương trình nghiên cứu, tổng hợp đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học của lĩnh vực Hệ thống TTKT trong môi trường ứng dụng CNTT, để từ đó đưa ra những tiền đề cho việc soạn thảo các quy định về pháp luật đối với lĩnh vực này trong chiều hướng phát triển tương lai.

Thứ hai: Cơ quan soạn thảo Thông tư  của Bộ Tài chính cần tập hợp những phản hồi, những bài viết, bài báo khoa học về việc áp dụng: VAS 29; TT  20; TT  103, TT 200 và các Thông tư  hướng dẫn quy định pháp luật về thuế có liên quan, trên cơ sở đó, nếu thấy cẩn thiết cần soạn thảo Thông tư  sữa đổi bổ sung cho những Thông tư  này.

Thứ ba: Khi DN mua, sử dụng, thiết kế xây dựng PMKT cần phải nghiên cứu kỹ hoặc được tư vấn để nắm vững các quy định của pháp luật về kế toán cũng như về thuế có liên quan đến tổ chức sử dụng Hệ thống TTKT trong điều kiện ứng dụng CNTT. Đặc biệt, cần lưu ý yêu cầu nhà cung cấp PMKT hoặc người (tổ chức) thiết kế PMKT cần phải cung cấp hoặc trình bày cơ chế kiểm soát “Dấu vết kiểm toán”. Các đề xuất sau đây như là một tham khảo chuyên biệt, theo đó những nội dung sau cần được lưu ý:

- Tự động ghi nhận các hành vi truy cập hệ thống, chỉnh sửa, thêm, xóa dữ liệu trên một tập tin riêng, tập tin này phải được bảo mật cao nhất trong hệ thống, mặc định là không được phép xóa, người có quyền cao nhất trong hệ thống chỉ được xem và in ra dấu vết kiểm toán từ nội dung của tập tin này.

- Việc chỉnh sửa số liệu của các chức năng kế toán tổng hợp phải độc lập với các chỉnh sửa số liệu trên các phân hệ khác, việc chỉnh sửa số liệu trên kế toán chi tiết không làm thay đổi hay ảnh hưởng đến sổ kế toán tổng hợp nếu chưa được sự đồng ý phê duyệt (thông qua mật khẩu và nhật ký ghi nhận “Dấu vết kiểm toán”) của người có trách nhiệm cao nhất trong ĐVKT.

Thứ tư: Khuyến khích các PMKT nên xem ứng dụng Microsoft Excel như là một công cụ liên kết với PMKT trong việc trích xuất dữ liệu kế toán, nhất là thông tin đầu ra của ĐVKT. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra kế toán cần phải có soạn thảo một khuôn mẫu hướng dẫn ở mức độ căn bản nhất những yêu cầu ĐVKT cần cung cấp TTKT bằng file mềm dưới dạng Microsoft Excel như là một vấn đề tham khảo.

Có thể nói, TT 200 ra đời đã cụ thể hóa khá nhiều nội dung về chế độ kế toán hiện hành, đặc biệt đã “cởi mở” hơn so với các quyết định và chế độ kế toán trước đây về các quy định hướng dẫn thực hiện trong các vấn đề về “Sổ kế toán “ cũng như “Hình thức kế toán” trong các DN áp dụng. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hướng dẫn một cách cụ thể hình thức kế toán mà ở đó mức độ kế toán đã được tự động hóa (PMKT) và rất khác biệt nhiều so với hình thức kế toán thủ công truyền thống trước đây. Từ đó, vẫn còn nhiều các vướng mắc cần được hướng dẫn hoặc cho phép  theo hướng thuận lợi hơn trong điều kiện môi trường CNTT./.


Tài liệu tham khảo
1. VAS 29;
2. Luật Kế toán;
3. Quyết định số 15, 48; TT 20, 103, 156, 200;
4. Ngô Hà Tấn (2015) “Về quy định sổ kế toán trong Thông tư  200” Tạp chí kế toán & Kiểm toán số tháng 06/2015;
5. Ths. Thái Phúc Huy (2012), giáo trình Hệ thống TTKT, tập 2, NXB Phương Đông.
6. TS. Trần Phước (2009), Giáo trình hệ thống TTKT, Trường Đại học công nghiệp TP. HCM.

 

[1] Công ty TNHH MTV Phần mềm kế toán và Đại lý thuế An Đức

Kế toán khác